BÀI TUYÊN TRUYỀN
VỀ BỆNH QUAI BỊ - THỦY ĐẬU CỦA TRƯỜNG TIỂU HỌC HƯNG THÁI
Kính thưa: Quý thầy cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!
Các em học sinh thân mến! Hôm nay cô xin được gửi tới bài tuyên truyền và cách phòng bệnh quai bị- bệnh thủy đậu tới toàn thể các em học sinh và quý thầy cô.
I.BỆNH QUAI BỊ
1. Bệnh quai bị là gì?
Bệnh quai bị là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus gây nên. Bệnh dễ lan truyền từ người này sang người khác một cách dễ dàng và thường xảy ra vào mùa thu, mùa xuân khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, và bệnh gia tăng theo mùa. Dịch bệnh thường xuất hiện ở những nơi dân cư đông đúc như trường học, chung cư. Đây là một bệnh nhẹ nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, đặc biệt nguy hiểm nhất là viêm sưng tinh hoàn, thường là một bên, xảy ra từ 20 - 30% ở nam giới trưởng thành.
2. Nguyên nhân
Quai bị do virus gây nên, rất dễ lây qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi. Bệnh thường hay gặp ở trẻ nhỏ, cả trẻ lớn chưa được tiêm phòng quai bị và lứa tuổi vị thành niên chưa có miễn dịch quai bị, người lớn cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ là thấp hơn. Thời gian lây là từ 6 ngày trước khi toàn phát và đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.
3. Triệu chứng
Khi bị nhiễm virus quai bị, phần lớn bệnh nhân thấy khó chịu từ 1 - 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện. Bệnh nhân bị sốt cao (39 – 40C) trong 3 - 4 ngày, chảy nước bọt, sưng vùng mang tai, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là má sưng to, có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc. Tuy nhiên, có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị mà không có triệu chứng bệnh lý, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không biết. Bệnh thường tự khỏi sau 1 tuần đến 10 ngày. Sau đó bệnh nhân được miễn dịch suốt đời. Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể có các biến chứng như: viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, nhồi máu phổi, viêm buồng trứng, viêm tụy; tổn thương thần kinh; đặc biệt bệnh quai bị ở phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
- Biến chứng: Khi mắc quai bị, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân có thể bị những biến chứng nguy hiểm, như:
Viêm tinh hoàn: Thường gặp ở tuổi dậy thì, hiếm gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 40 tuổi, xuất hiện sau khi sưng tuyến mang tai 1 - 2 tuần. Bệnh nhân đau tinh hoàn sắp sưng, sau đó tinh hoàn sưng to gấp 3 - 4 lần bình thường. Thường thì sưng 1 bên, cũng có thể sưng 2 bên, sau 2 tuần mới hết sưng. Sau 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có teo hay không. Tỷ lệ teo tinh hoàn do quai bị là 30 - 40%. Nếu bị teo tinh hoàn 2 bên thì khả năng vô sinh rất cao.
Viêm buồng trứng: Chiếm 7% các trường hợp mắc bệnh ở tuổi sau dậy thì (hiếm khi vô sinh). Nếu nhiễm bệnh ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu có khả năng gây dị dạng thai, sảy thai. Nhiễm bệnh vào 3 tháng cuối có thể tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc đẻ non.
Viêm não hoặc viêm màng não:
Thường xuất hiện sau 7-10 ngày với triệu chứng nhức đầu nghiêm trọng và cứng cổ.
4. Phòng và điều trị
Biện pháp phòng bệnh quai bị hữu hiệu nhất là tiêm vaccin. Vaccin phòng bệnh quai bị có tác dụng kích thích cho trẻ em sản sinh kháng thể kháng quai bị kháng thể đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm chủng 6 - 7 tuần. Đây là bệnh do virus gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các trường hợp mắc bệnh phải được nghỉ ngơi tại chỗ; ăn thức ăn mềm, dễ nuốt. Khi bị mắc bệnh, người bệnh cần vệ sinh răng miệng thường xuyên; cần được cách ly trong khoảng 2 tuần kể từ khi có triệu chứng sưng ở mang tai. Trẻ em bị bệnh không được đến trường, vì như vậy sẽ là nguồn lây bệnh cho các trẻ khác. Người lớn mắc bệnh cũng cần được cách ly như trẻ nhỏ tại phòng riêng. Các đồ vật có liên quan đến chất tiết mũi, họng cần phải được diệt khuẩn tốt. Có thể giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng Paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn, chú ý mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau; nghỉ ngơi là chủ yếu, hạn chế vận động.Trường hợp bệnh nhân đã giảm sốt mà sốt trở lại hoặc đau vùng bụng dưới cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị và trách các biến chứng nặng hơn.
II. BỆNH THỦY ĐẬU
1. Bệnh thủy đậu là gì?
- Bệnh thuỷ đậu là một bệnh cấp tính nhiễm vi rút Varicella Zoter gây ra. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là trẻ em.
- Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng Thủy đậu.
- Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7- 10 ngày và có thể khỏi.

2. Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh?
- Triệu chứng thường xuất hiện từ 14 đến 16 ngày sau lần tiếp xúc đầu tiên với người bệnh.
- Biểu hiện của bệnh:
+ Sốt nhẹ từ 1 đến 2 ngày.
+ Cảm giác mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi người, đau họng và toàn thân phát ban.
+ Ban thuỷ đậu thường dưới dạng những chấm đỏ lúc đầu sau đó phát triển thành các mụn nước.
+ Đầu tiên ban mọc ở đầu, mặt sau đó lan ra toàn thân
+ Ban thuỷ đậu thường rất ngứa và thường mọc làm nhiều đợt khác nhau.
+ Bệnh có thể khỏi sau 1 đến 2 tuần.
3. Biến chứng của bệnh là gì?
- Biến chứng thường gặp nhất là bị nhiễm trùng tại các nốt ban thủy đậu. Những người bị biến chứng này nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng nên cho dù được chữa khỏi vẫn có thể để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu. Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não...
- Bà mẹ bị thủy đậu trong lúc mang thai nhất là trong 6 tháng đầu của thai kỳ gây thủy đậu bẩm sinh cho con và gây một số dị tật: teo cơ ở chân tay, bệnh ở mắt có thể gây mù.
4. Cách phòng bệnh thủy đậu?
- Bệnh thủy đậu hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin cho trẻ. Đối tượng có thể tiêm ngừa bệnh thủy đậu là trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và chưa từng mắc bệnh thủy đậu. Sau khi tiêm vắc xin, trẻ sẽ đạt được miễn dịch suốt đời.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
- Ăn uống đủ chất, uống nhiều nước trong ngày.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh để phòng tránh lây lan.
- Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
- Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường, phòng ở phải sạch sẽ thoáng khí.
Trên đây là bài viết về các nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh thủy đậu và quai bị. Qua bài tuyên truyền hôm nay cô mong tất cả các em học sinh và quý thầy cô giáo hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh thủy đậu và quai bị. Từ đó chúng ta tự biết cách bảo vệ, chăm sóc cho bản thân, những người trong gia đình và những người xung quanh.